Chùa Phnô Ompung – Ngôi chùa Khmer có công trình kiến trúc độc đáo | Tân Hiệp - Trà Cú - Trà Vinh

Chùa Phnô Ompung, pháp danh wat Sirivansaràma Phnao Ompoung (វត្តសេរីវង្សារាមផ្នោអំពូង), còn được gọi là chùa Long Trường, được xây dựng năm 1868 trên khuôn viên rộng 25.000 m², tọa lạc tại ấp Long Trường, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer có nhiều công trình tuyệt đẹp với những đường nét kiến trúc Khmer đặc trưng và được xem là ngôi chùa đẹp tiêu biểu nhất xã Tân Hiệp.
Cũng như hầu hết những ngôi chùa Phật giáo Khmer khác, chùa Phnô Ompung có quần thể kiến trúc đặc trưng theo truyền thống Khmer. Ngôi chùa được xây dựng lần đầu vào năm 1868 trên một khuôn viên khá nhỏ, đến năm 1928 gia đình ông Thạch Saray và bà Thạch Thị Em đã dâng đất để mở rộng khuôn viên chùa và bằng sự góp sức góp tiền của đồng bào Khmer trong srok, khuôn viên chùa được mở rộng ra trở thành Trung tâm Văn hóa đúng nghĩa của Cộng đồng của người Khmer trong vùng. Đến nay, chùa đã trải qua 48 đời trụ trì và nhiều lần trùng tu sửa chữa. Lần đại trùng tu chánh điện gần đây là năm 2005. Trụ trì đầu tiên là Hòa thượng Thạch Kộng, Sư cả trụ trì hiện tại là Đại đức Thạch Sa Vane.

Chánh điện chùa Phnô Ompung chụp từ hướng Preah Saotr


Bên trong chánh điện

Chùa Phnô Ompung không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sóc mà hồi thời chiến tranh, nơi đây còn là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của Đế quốc Mỹ và chính quyền VNCH. Chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng kiên cường như: sư cả Kim Nên, sư cả Trương Dừa, sư cả Thạch Nhưng, sư cả Bân Suôl và nổi tiếng nhất là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thạch Ngọc Biên mà tên của người được bất tử hóa thành tên xã Ngọc Biên ngày nay... Ngôi chùa được báo Đảng tôn vinh là " Ngôi chùa Khmer giàu truyền thống cách mạng".
Với việc góp công sức, tiền của từ Phật tử trong Srok và kiều bào ở nước ngoài, chùa Phnô Ompung đang tiếp tục được tu bổ, chỉnh trang ngày càng khang trang hơn. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội vẫn được duy trì và tổ chức ngày càng vi mô hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu văn hóa của phật tử trong vùng. Riêng Đại đức Thạch Sa Vane, hiện là sư cả của chùa đã có nhiều đóng góp trong công tác xã hội và thiện nguyện tại địa phương được Nhà nước VN công nhận và tặng nhiều bằng khen.

Preah Saotr
Preah Saotr chụp từ hướng chánh điện
Phía trước Preah Sotr vẫn đang trong quá trình xây dựng

Mặt khác, thông qua các lễ hội hàng năm như Chol Chnam Thmey (Năm mơi), Bun Pchum Ben hay Send Dolta (Lễ cúng ông bà), Ok Ombok (Lễ cúng trăng), Kathina (dâng y),... chùa là nơi thực hiện những lễ nghi tôn giáo, cầu cúng tâm linh, đã góp phần hiệu quả vào việc đẩy mạnh ảnh hưởng của Phật giáo vào đời sống văn hóa tinh thần, nếp nghĩ, lối sống của người dân Khmer, là nơi tập trung, hội họp giúp mọi người gần nhau hơn, cùng nhau gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc và Phật giáo Khmer.
Hiện nay, chùa Phnô Ompung thu hút rất nhiều du khách thập phương đến đây vì sự nổi tiếng của bức tượng Phật nằm rất dài và rất cao tại ngôi chùa này, một điều nữa là chùa đang được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh tiến hành sưu tầm tư liệu lập hồ sơ khoa học di tích trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh xét xếp hạng di tích cấp tỉnh trong thời gian tới.


Nếu các bạn có đến Tân Hiệp thì đừng quên ghé tham quan ngôi chùa Phnô Ompung nhé, để tận mắt nhìn bức tượng Phật nằm dài hơn 30m và cao hơn 20m, đặc biệt là đến vào các dịp lễ hội cổ truyền của dân tộc Khmer, chắc chắn sẽ kô làm các bạn thất vọng.
Bài và ảnh: Khổng Seyla

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Liên hệ đặt quảng cáo: 0976.559.389

Liên hệ đặt QC: 0976.559.389