Ramvong (រាំវង់) là một điệu nhạc truyền thống của người Khmer được sử dụng trong nghệ thuật quần chúng, xuất hiện và phổ biến trong các bài hát dân tộc Khmer từ nhiều thế kỷ nay. Điệu Ramvong không chỉ được sử dụng trong các ca khúc nhạc cổ điển mà cũng phổ biến trong các nhạc phẩm khác của âm nhạc Khmer hiện đại, tuy nhiên hầu hết các bài hát điệu Ramvong đều có đặc tính chung là đậm chất dân ca, giai điệu đều đều, lên xuống nhẹ nhàng, khá nhanh, lời ca vần và dễ thuộc, chủ đề đơn giản, tính chất vui tươi, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý không cao.
Ramvong là một "dòng nhạc" lớn mà từ nó đã phát triển thành nhiều điệu nhạc biến thể nổi tiếng khác. Các bài hát Khmer theo dòng nhạc Ramvong là vô số kể, bài hát Việt thì ít hơn, có thể kể đến như Điệu Lâm Thôn Trà Vinh, Sok Sabay Sóc Trăng, Trà Vinh Ok Ombok, Ok Ombok quê em hay Cùng Em Điệu Sarikakeo... Ngoài là dòng nhạc đặc trưng của cộng đồng người Khmer, điệu Ramvong cũng xuất hiện khá phổ biến trong các văn hóa chịu ảnh hưởng của nền văn minh Angkor cổ như Thái, Myan, Lào và cộng đồng người Hmong, người Môn...
Ảnh minh họa - nguồn: kntnews.com
Ngày nay, dù các dòng nhạc của Phương Tây đã thâm nhập sâu vào cộng đồng nhưng vẫn không thay thế được dòng Ramvong cổ điển, Ramvong vẫn đang được cộng động Khmer yêu thích và ngày càng phát triển hơn nữa.
Về nhạc cụ, ban đầu nhạc Ramvong ra đời dựa trên nền tảng là dàn nhạc Ngũ âm (Phleng Pinpeat), về sau do sự phổ biến của âm nhạc phương tây đã ảnh hưởng ít nhiều đến Ramvong truyền thống; ngày nay, Ramvong là dòng nhạc dựa trên sự tiếp xúc giữa điệu nhạc truyền thống Khmer với các nhạc cụ phương Tây - sự pha trộn giữa loại nhạc chủ yếu dựa vào nhạc đệm của ghitar điện, trống, solo trộn lẫn với những loại nhạc cụ truyền thống của người Khmer như: đàn cò, chpey dongveng...
Đi đôi với nền nhạc Ramvong là điệu múa Ramvong nổi tiếng, còn gọi là điệu múa Lâm Thôn. Điệu múa Ramvong có nghĩa là "Điệu múa theo vòng tròn", từng cặp đôi trai gái vừa múa vừa quay lại nhìn nhau thể hiện sự thân mật và đi theo một vòng tròn khép kín.
Cũng như các điệu khiêu vũ của Phương Tây, khi tiếng nhạc nổi lên, người con trai thường chủ động mời bạn gái của mình lên cùng múa. Các động tác của các cô gái thường mềm mại, nhẹ nhàng thể hiện sự dịu dàng, duyên dáng và kín đáo của nữ nhân; trong khi các chàng trai với động tác khỏe khoắn, hai tay dang rộng hơn, vừa thõa mãn sự vui tươi vừa thể hiện sự mạnh mẽ, sẳn sàng che chở và bảo vệ người phụ nữ của mình.
Khi tham gia múa trong một sự kiện nào đó, người tham gia múa phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định, chẳng hạn như các thanh niên nhỏ tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người có địa vị và người lớn tuổi ra múa giao lưu cùng. Theo nhịp trống, đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng, động tác múa càng nhanh hơn. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau (Sampeah) rồi trở về vị trí của mình.
Xem thêm Sampeah - Nghi thức chào hỏi truyền thống của người Khmer |
Nhạc Ramvong nhẹ nhàng vui tươi cùng với điệu múa Ramvong đơn giản và gần gũi nên ai ai (dù không phải là người Khmer) cũng có thể dễ dàng hòa chung không khí tại các buổi biểu diễn của người Khmer. Ramvong xưa nay là một sinh hoạt mang tính cộng đồng, nó đã trở thành phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng của người Khmer, mà ngày nay cũng đang dần thâm nhập vào đời sống người Việt và người Hoa ở Trà Vinh.
Có lẽ Ramvong nên tự hào vì chính nó là một trong những dòng nhạc cổ điển thịnh hành nhất của người Khmer từ nhiều thế kỷ đến nay; tuy không quá hoa mỹ, nhưng đủ để tạo cảm hứng; và làm cho người nghe có cảm giác dễ chịu khi thưởng thức. Điệu múa cơ bản không quá sành điệu nhưng chưa bao giờ lỗi mốt giúp cho nó luôn được cộng đồng đón nhận dù ở thời đại nào.
Viết bởi Khổng Seyla
Xem thêm Các dịch vụ Khổng Seyla đang cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam |
Tags:
Văn hoá Khmer