Bàn về quan niệm ăn chay cùng xuất xứ của nó hiện tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Mà rõ rệt nhất là sự khác biệt giữa Phật giáo Khmer (theo truyền thống Nguyên thủy) không có quan niệm ăn chay và Phật giáo Cách tân Đại thừa chủ trương ăn chay. Và vì sự không hiểu nhau, đã làm nhiều người cảm thấy lạ và thậm chí "sửng sốt" khi thấy một vị sư Khmer thọ thực.
Trong bài viết này, tôi sẽ không bàn về sự đúng sai mà chỉ phân tích Quan điểm về ăn chay của Phật giáo Nguyên Thủy, cụ thể là Phật giáo Khmer để chúng ta hiểu hơn về Văn hóa đặc trưng của nhánh tôn giáo này.
Bữa ăn hàng ngày của chư tăng tùy thuộc vào những gì mà lòng hảo tâm của thập phương bá tánh cúng dường - pixabay.com
1. Ăn chay có tự bao giờ?
Việc thực hành ăn chay là một nét đặc thù của Phật Giáo Cách tân Đại Thừa Trung Hoa, bắt đầu từ thời Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615), vào triều đại nhà Minh, và do người Việt nằm trong dòng chảy Văn hóa Trung Hoa nên đã tiếp nhận tất cả những tinh hoa Phật giáo của người Trung Hoa. Trước đó Phật Giáo Trung Hoa cũng không đặt vấn đề ăn chay - mặn là việc quan trọng cho sự tu hành. Và cũng cần lưu ý rằng, trong 227 giới của tỳ kheo (Phái Nguyên Thủy), 250 giới của tỳ kheo (Phái Cách tân) không hề có giới nào cấm ăn thịt.
2. Quan niệm về vật thực trong Phật giáo Nguyên thủy:
Thời còn tại thế, Đức Phật và chư tăng đi khất thực, thập phương bá tánh cúng dường thức ăn gì thì các ngài thọ thức ấy không phân biệt chay với mặn. Theo Phật giáo Nguyên thủy, việc ăn chay không có mặt trong thời Đức Phật tại thế và chính Đức Phật cũng không thực hành việc ăn chay. Do đó, Phật giáo Nguyên thủy chủ trương ăn cách nào cũng được, tuỳ duyên trong ăn uống sao cho có đủ sức khoẻ để hành trì giáo pháp. Phật giáo Nguyên thủy không đặt thành vấn đề ăn chay, ăn mặn vì “sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba nghiệp thân - khẩu - ý”.
Ảnh minh họa - Pixabay.com
3. Do đặc thù của truyền thống khất thực:
Phật giáo Nguyên thủy là một nhánh tôn giáo giữ nguyên truyền thống có từ thời Đức Phật, trong đó có truyền thống KHẤT THỰC.
Như đã đề cập ở trên, khi hàng Chư Tăng đi khất thực, bữa ăn hàng ngày của các ngài tùy thuộc vào những gì mà lòng hảo tâm của thập phương bá tánh cúng dường "đặt bát".
Theo truyền thống, các ngài không được phép đòi hỏi Phật tử cúng dường món này hay món khác, không đòi hỏi món rau hay món thịt, các ngài lặng lẽ nhận với tâm bình thản và không phân biệt bất luận thứ gì mà bá tánh hoan hỷ cúng dường. Thực phẩm chỉ để nuôi mạng sống (ngoại trừ những thức ăn ngoài "ngũ tịnh nhục" không được Đức Phật cho phép ăn).
Thời gian thọ thực của các ngài rất nghiêm ngặt, là chỉ được thọ thực sau khi mặt trời đã mọc đến trước giờ ngọ (tức từ khoảng 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa), từ sau ngọ đến sáng hôm sau các ngài CHỈ ĐƯỢC UỐNG NƯỚC CHỨ KHÔNG ĐƯỢC ĂN bất cứ vật thực nào.
Ngày nay Phật giáo Nguyên thủy tại một số thành phố lớn như tpHCM, tại Mỹ và châu âu, là những cộng đồng mà các vị Chư Tăng không thể đi khất thực được, việc thọ thực tùy thuộc hoàn toàn vào các nhóm cư sĩ Phật tử hoan hỷ hỗ trợ các ngài. Các Phật tử tự ý đi chợ mua sắm rồi nấu nướng dâng đến các ngài thọ trai.
Không chỉ người Khmer, mà người Thái, Myan, Lào, Srilanka và tất cả dân tộc theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy đều tiếp tục duy trì truyền thống này. Họ tin rằng bản thân họ không tự mình sát sinh, không khích lệ người khác sát sanh, không tùy hỷ sự sát sanh và do đó không phạm giới sát sinh.
4. Quan niệm về "chúng sinh" cũng là nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau về quan niệm ăn chay:
Chúng ta thường phân chia chúng sinh làm hai loại: (1) chúng sinh hữu tình là các loài có tình thức, biết cử động, biết đi, biết bơi, biết bò, biết bay, là các loài động vật nói chung (bao gồm cả con người), (2) chúng sinh vô tình là những sinh vật không nằm trong nhóm trên. Cỏ, cây, san hô... là những sinh vật có sự sống nhưng không được xếp vào hàng chúng sinh hữu tình vì chúng không có giác quan (?), không có hệ thần kinh, không có biểu hiện của ngũ ấm, không có cảm xúc, tư tưởng, hành nghiệp... Vì thế, nếu ăn các loài động vật thì được gọi là ăn mặn và nếu ăn các loài thực vật được gọi là ăn chay.
Cũng vì nhận thức như thế mà chúng ta cứ nghĩ, việc giết một con bò phải được xem là một hành động tội lỗi lớn hơn rất nhiều việc bứt tử ngọn cỏ vì con bò là sinh vật hữu tình, thân mình to hơn và biết cảm giác đau đớn...
Quan điểm của chúng ta là vậy, nhưng thật chất cây cỏ có vô tình hay không? Không ai dám chắc. Kinh Phật dạy rằng “mười phương cây cỏ cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác...”. Và một số nghiên cứu khoa học hiện đại cũng cho biết cây cỏ cũng có linh hồn tình thức.
Kinh Phật cũng dạy rằng, "mọi chúng sinh đều bình đẳng", không có sự phân biệt giữa thấp - cao, giữa tốt - xấu hay giữa hữu tình và vô tình. Sát sinh là đoạn diệt sự sống của chúng sinh. Vậy nên, họ không còn quan niệm cho rằng việc giết đi sinh mạng của một con bò là ác hơn việc bứt tử một ngọn cỏ. Suy rộng ra, không phải chỉ có những người giết mổ thịt hoặc đánh bắt cá mới là phạm giới sát sinh mà những người giết hại cây cỏ hoa lá cũng không khác...
Đó là quan điểm của những vị tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy, tâm của các ngài không còn sự phân biệt, không còn vướng mắc, chấp trước vào chuyện ăn uống. Ăn thịt hay ăn rau đối với các ngài chỉ là để nuôi thân và hành đạo.
Trên đây tôi lướt qua quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy về vấn đề ăn chay. Họ tin rằng "việc ăn" chỉ để duy trì sự sống, ăn chay hay mặn không phải là điều quan trọng trong việc hành trì Phật Pháp. Họ tin rằng việc dính mắc không dính mắc trong tâm tưởng mới là điều quan yếu, khi tâm quá dính mắc vào các ý niệm thiện ác hay ăn chay mặn là mang vào mình sự bất an vì e sợ không biết hành động của mình có sai, có tạo nên ác nghiệp không? Cũng như bài kinh Amagandha mà Đức Phật giảng cho Jivaka nghe rằng "phẩm hạnh xấu xa của người làm tội bằng nhiều cách khác nhau, còn tệ hại hơn là ăn thịt cá nhiều." Họ nghĩ rằng những điều làm cho con người bất tịnh chẳng phải là ở nơi ăn thịt, mà là ở nơi lòng oán hận, mê tín, gian xảo, đố kỵ, kiêu căng, và xu hướng theo đường bất chính mà ra.
Nói tóm lại, Phật giáo Nguyên Thủy tin tưởng rằng, không có một giới luật khắt khe nào trong Phật giáo nói là tín đồ của Đức Phật không nên ăn thịt và bắt tất cả người Phật tử phải ăn chay. Họ cũng tin rằng, Đức Phật chỉ khuyên là KHÔNG NÊN LIÊN QUAN vào việc sát sanh có dụng ý hoặc không nên yêu cầu người khác giết bất cứ chúng sanh nào cho mình ăn.
Nội dung được viết bởi Khổng Seyla
Vui lòng dẫn nguồn khi sử dụng lại một phần hoặc toàn bộ bài viết này
Tags:
Văn hoá Khmer