Ngày 09.05 mình tham gia lễ hội Bun Phum (hay còn gọi là Bun Komsan Srok) của người Khmer, bắt đầu là cùng mọi người rước tôn tượng Đức Phật từ chùa Reachmol - là một trong hai ngôi chùa Khmer ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh - rước về Sala của phum để làm lễ (ấp Kim Câu, Kim Hòa, Cầu Ngang, TV).
Nói về Bun Phum hay Bun Komsan Srok - có nghĩa là Hội làng. Đây là một nét đẹp trong văn hóa của người Khmer đã có từ lâu, sau những ngày Chol Chnam náo nhiệt trong khoảng vòng 1 tháng thì phum sok nào có sala thì cũng đều có hội. Thường mỗi phum sok đều có một vị thần Arak hay Neak Tà là vị thần có công bảo vệ, chăm sóc và đem lại sự bình yên cho người dân trong phum sók đó.
Bun phum của người Khmer mang ý nghĩa cộng đồng nhằm mục đích tạo sự đoàn kết trong phum sók và cả ý nghĩa tâm linh là cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, cầu yên bình cho Phum Sok.
Nơi diễn ra Bun phum thường là sala, có vài nơi là đình hoặc miếu ông Tà... đây là nơi hội tụ những nét văn hóa truyền thống của Phum Sók, đóng vai trò như Trung tâm cộng đồng của Phum Sók đó vậy. Ví dụ như chỗ mình đang ở đây, thường ngày Sala còn đóng vai trò như công viên - buổi tối là nơi tụ tập của người dân gần đây, họ ra đây hóng mát và ngồi trò chuyện.
Tùy theo đặc điểm địa hình của từng phum sók, những đám rước thường rất náo nhiệt, cầm cờ, đánh trống. Kiệu được rước từ phum trên xuống sók dưới. Len vào từng con ngõ, ghé vào tận mái nhà. Một số nơi có diễn ra trò chơi dân gian, một số nơi diễn tuồng, ca hát vào ban đêm. Còn ở làng mình là múa Chằn Yak và Hanuman.
Những luật tục của lễ hội trở thành mối dây gắn kết các thành viên trong cộng đồng và có sức mạnh vô cùng ghê gớm. Câu thành ngữ "phép vua thua lệ làng" nói lên điều đó là ko hề sai. Mặc dù ngày nay kinh tế phát triển, lớp trẻ có xu hướng khó năm bắt các phong tục cổ xưa. Nhưng lễ hội vẫn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong gắn kết cộng đồng và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Nguồn: Khổng Seyla
Tags:
Văn hoá Khmer