Trong lịch sử tôn giáo Việt Nam, bên cạnh những dòng tín ngưỡng chính thống, còn tồn tại những hình thức tín ngưỡng dân gian mang màu sắc huyền bí, gắn liền với những nhân vật đặc biệt. Một trong số đó là "Phật Trùm" hay còn gọi là ông "Đạo Đèn", một nhân vật gây nhiều tranh cãi và để lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.Vậy Phật Trùm là ai?
Phật Trùm, tên thật là Paul (Tà Pôl), là một người Khmer sinh sống ở ấp Sàlon, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 1866, sau một cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, ông đột nhiên tỉnh lại và tự xưng là BodhiTrum (ពោធិទ្រុម đọc là Po-thi-Trum), được sai xuống trần gian để cứu độ chúng sinh. Ông nổi tiếng với phương pháp chữa bệnh độc đáo bằng cách đốt đèn sáp cho người bệnh nhìn và ngửi khói. Chính vì thế, người đời còn gọi ông là ông "Đạo Đèn".
Ông được tín đồ các tôn giáo bản địa như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo kính thờ và xem là lần chuyển kiếp thứ 2 của Phật Thầy Tây An.
Về tên gọi Phật Trùm, có lẻ bắt nguồn từ pháp danh của ông - BodhiTrum - Theo tiếng Khmer, "ពោធិទ្រុម" (BodhiTrum - Bồ Đề Trùm) - là một từ ghép mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Cụ thể: từ Bodhi (ពោធិ): Có nguồn gốc từ tiếng Phạn, có nghĩa là Bồ đề, từ này cũng biểu thị cho sự "giác ngộ", "sự tỉnh thức", "trí tuệ" trong Phật giáo, gắn liền với sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ Trum (ទ្រុម ): Có nghĩa là "cây".
Do đó, "ពោធិទ្រុម" (BodhiTrum) dịch sát nghĩa là "cây bồ đề" hay "cây giác ngộ". Và những thứ thiêng liêng tôn kính thì thường người Khmer sẽ gắn thêm từ Pras (ព្រះ) phía trước, như vậy người tên gọi ông là Pras BodhiTrum (ព្រះពោធិទ្រុម) - có nghĩa là "Đức/thánh Bồ Đề Trùm" . Lưu ý ở đây từ Pras có thể là ngài/Đức/thánh/thần/phật - tùy ngữ cảnh.
Và thay vì gọi ông đầy đủ là "Đức thánh Bồ Đề Trùm" hay "Phật Bồ Đề Trùm" theo nguyên gốc Khmer, thì người Việt lại gọi ông một cách ngắn gọn là Phật Trùm!
Như vậy, từ đầu ông không hề tự xưng mình là Phật hay ngông cuồng tự cho bản thân là "Trùm của Phật" - như một số nhà nghiên cứu đã công bố, mà ông chỉ xem mình như là một cây bồ đề khiêm nhường, lặng lẽ che chở cho Đức Phật thành đạo.
Những bí ẩn xung quanh Phật Trùm
Cuộc đời và sự nghiệp của Phật Trùm bao phủ bởi lớp sương mù huyền bí, với nhiều chi tiết chưa được làm sáng tỏ:
- Nguồn gốc sức mạnh tâm linh: Liệu khả năng chữa bệnh của ông có thực sự hiệu nghiệm hay chỉ là sự mê tín? Có giả thuyết cho rằng, phương pháp "trị bệnh" bằng ánh sáng và khói của ông có thể liên quan đến một số liệu pháp tâm lý, tạo niềm tin và sự an ủi cho người bệnh từ đó giúp họ khỏi bệnh.
- Bộ kinh thất lạc: Phật Trùm được cho là đã để lại một bộ kinh ghi chép giáo lý tiếng Việt. Tuy nhiên, bộ kinh này đã bị cháu ông - Tà Sao - nộp cho chính quyền Pháp và đến nay vẫn bặt vô âm tín. Nội dung của bộ kinh này ra sao, có những điểm gì đặc biệt, liệu có hé lộ những bí mật về thân thế và sứ mệnh của Phật Trùm?
- Ảnh hưởng của Phật Trùm: Mặc dù đã qua đời từ năm 1875, nhưng hình ảnh và những câu chuyện về Phật Trùm vẫn còn lưu truyền trong dân gian, đặc biệt là trong cộng đồng các tôn giáo bản địa ở Nam Bộ. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng nhất định của ông đối với đời sống tâm linh của người dân.
Phật Trùm - Góc nhìn đa chiều
Sự tồn tại của Phật Trùm và những câu chuyện xung quanh ông phản ánh sự đa dạng và phong phú của đời sống tín ngưỡng dân gian. Dù có nhiều ý kiến trái chiều, song không thể phủ nhận rằng Phật Trùm là một nhân vật độc đáo, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa tâm linh đa màu sắc của Việt Nam.
Việc nghiên cứu về Phật Trùm không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử tôn giáo mà còn mở ra những góc nhìn mới về tâm lý, văn hóa và xã hội của người dân Nam Bộ xưa.
Phật Trùm - ông "Đạo Đèn" - vẫn là một ẩn số đầy thách thức với các nhà nghiên cứu. Hy vọng rằng trong tương lai, với những nỗ lực nghiên cứu có tâm của họ, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng và khách quan hơn về nhân vật đặc biệt này.
Nội dung: Khổng Seyla | Ảnh: thầy Sok Kha Mo Ni