Khi bước chân vào khuôn viên một ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy dù là chùa Khmer, Thái Lan hay Lào, điều đầu tiên thu hút ánh nhìn của du khách thường là những chi tiết trang trí tinh xảo trên mái chùa. Nổi bật trong số đó là hình tượng nữ thần nữa người nữa chim, vươn mình đỡ lấy diềm mái, tạo nên sự chuyển tiếp mềm mại giữa những cột trụ thẳng đứng và mái chùa trải rộng. Cùng với hình tượng chim thần Garuda uy nghi trấn giữ bốn góc mái, các nữ thần Kayno tô điểm thêm vẻ đẹp huyền bí và linh thiêng cho công trình. Diềm mái được trang trí bằng vô số hoa văn tinh tế, chạy dọc theo chiều dài ngôi chánh điện, tạo nên những đường nét uyển chuyển, thanh thoát, góp phần vào sự đa dạng, độc đáo và sinh động của quần thể kiến trúc chùa chiền. Vậy, hình tượng nữ thần nửa người nửa chim ấy là ai và mang ý nghĩa gì trong văn hóa và tín ngưỡng của khu vực?
![]() ![]() |
Nữ thần Kayno được điêu khắc đỡ diềm mái chánh điện chùa Khmer | Ảnh Anh Bảy Trà Vinh |
Nguồn gốc tên gọi:
Tên gọi Kayno bắt nguồn từ thuật ngữ tiếng Phạn Kinnarā (किन्नर) mà trong tiếng Khmer viết đúng phải là Kinnor (កិន្នរ), tiếng Thái và tiếng Lào là Kinnorn (กินนร/ກິນນອນ). Đây là một từ cổ xuất hiện trong các kinh điển Hindu và Phật giáo. Trong văn học và báo chí Khmer vẫn viết là Kinnor nhưng trong giới bình dân lại gọi là Kayno hoặc Kê No? (có lẽ là cách đọc trại). Ngoài ra, hình tượng này được gọi bằng nhiều biến thể khác nhau ở các khu vực, phản ánh sự giao thoa và tiếp biến. Dù cách gọi có đôi chút khác nhau, nhưng cơ bản là vẫn hiểu và đều chỉ đến hình tượng bán thần nửa người nửa chim trong thần thoại cổ.
![]() |
Kayno trong nghệ thuật biểu diễn Khmer hiện đại |
![]() |
Kayno trong nghệ thuật biểu diễn thời Khmer Pháp thuộc |
Hình tượng Kayno thường được đặt ở vị trí đặc biệt trên các công trình tôn giáo, đặc biệt là các ngôi đền/chùa. Kayno thường được tạc tượng trong tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, tạo sự chuyển tiếp mềm mại giữa phương đứng của các cột và phương ngang của mái. Tư thế này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc:
- Sự kết nối giữa trời và đất, giữa thế giới phàm tục và thế giới thần linh.
- Sự bảo vệ: Kayno được coi là người bảo vệ ngôi đền và những giá trị tâm linh mà nó chứa đựng.
- Sự hài hòa: Hình tượng Kayno góp phần tạo nên sự hài hòa và cân đối cho tổng thể kiến trúc.
Cùng với nữ Kayno, hình tượng Garuda (Krud trong tiếng Khmer/Thái) thường được đặt ở bốn góc mái. Garuda là vua của các loài chim, biểu tượng của sức mạnh và quyền lực, có vai trò bảo vệ Phật pháp. Sự kết hợp giữa Kayno và Garuda trên mái chùa tạo nên một tổng thể hài hòa, vừa mềm mại vừa mạnh mẽ, thể hiện sự cân bằng giữa âm và dương, giữa nữ tính và nam tính.
Điều quan trọng cần lưu ý là trong nghệ thuật, hình tượng Kinnarī (giống cái) phổ biến hơn rất nhiều so với Kinnarā (giống đực), thậm chí người ta đã ghép đôi Kinnarī (giống cái) với Garuda, loại bỏ Kinnarā (giống đực) hoàn toàn và thay thế bằng Garuda!
![]() |
![]() |
Kayno có giống đực được gọi Kinnara và giống cái được gọi là Kinnari xuất phát từ thần thoại Hindu, được ghi chép trong các kinh điển bằng tiếng Phạn. Họ thuộc nhóm bán thần, bao gồm Gandharva, Apsara, Yaksha..., những sinh vật huyền bí phục vụ các vị thần tối cao. Kinnari/Kinnara nổi tiếng với sự chung thủy, giọng hát hay, khả năng chơi nhạc và vẻ đẹp quyến rũ. Họ thường xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại, tượng trưng cho tình yêu, nghệ thuật và sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Trong hệ thống thần thoại Hindu, họ không phải là những vị thần được thờ cúng độc lập mà là những nhân vật phụ, đóng vai trò tô điểm cho thế giới thần linh.
![]() |
Kayno trong nghệ thuật Sak Yant |
Khi Phật giáo Theravada truyền bá đến Đông Nam Á, hình tượng Kayno đã được tiếp nhận và hòa nhập vào văn hóa Phật Giáo Theravada. Tuy nhiên, trong Phật giáo Theravada, Kayno không đóng vai trò quan trọng trong giáo lý hay nghi lễ. Thay vào đó, họ trở thành một biểu tượng trang trí phổ biến trong kiến trúc, hội họa và điêu khắc, các Kayno chỉ có giá trị nghệ thuật trang trí đơn thuần, hoàn toàn không có giá trị tâm linh.
Khi thấy tượng các thiên thần trong văn hóa đặc trưng của Phương Tây, một số người Khmer và Thái thường liên tưởng đến hình ảnh Kayno trong văn hóa của họ, do có một số điểm tương đồng về hình dáng và vai trò của Kayno và thiên thần trong đạo Thiên Chúa, nhưng kỳ thực có khác biệt về nguồn gốc và vị trí của hai hình tượng này trong hệ thống văn hóa tương ứng. Kayno xuất phát từ thần thoại Hindu, sau này được tiếp nhận vào Phật giáo Theravada với vai trò trang trí - không đóng vai trò quan trọng trong tâm linh, trong khi thiên thần trong các đạo Thiên chúa đóng vai trò quan trọng trong giáo lý và nghi lễ. Còn trong quá khứ hàng ngàn năm trước, 2 hình tượng này có chung nguồn gốc hay không thì không có một tài liệu nào xác nhận.
![]() |
Một tượng thiên thần bằng đồng có rất nhiều sự tương đồng với Kayno | Ảnh: Pixabay |
Tags:
Thần thoại Khmer - Thái